THÔNG BÁO
Về công tác phòng chống nắng, nóng cho vật nuôi
Kính gửi: - Cán bộ và nhân dân trong toàn xã
Theo dự báo của trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia và Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình, do ảnh hưởng của hiện tượng EL-Nino, dự báo năm 2023 nắng nóng sẽ ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022, các đợt nắng nóng chủ yếu tập trung từ tháng 4 đến tháng 8. Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây, tình trạng nắng nóng gay gắt xảy ra với nhiệt độ cao lên đến 37-380C; trong ngày thời gian có nhiệt độ trên 350C từ 12-15 giờ, độ ẩm không khí tương đối thấp phổ biến ở mức 50-60% gây tình trạng mất nước, kiệt sức, sốc nhiệt, ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi, đặc biệt là gia cầm, gia súc mang thai và chăn nuôi mật độ cao.
Thực hiện hướng dẫn số 02 ngày 29/5/2023 của Trạm chăn nuôi và thú y huyện Kiến Xương về việc hướng dẫn công tác phòng chống nắng nóng cho vật nuôi. Ban chăn nuôi thú y xã Hòa Bình thông báo hướng dẫn toàn thể cán bộ và nhân dân trong toàn xã một số nội dung công việc như sau:
1. Chuồng trại:
- Chuồng nuôi: Đảm bảo cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi. Phủ rơm rạ, trồng cây dây leo,… lên mái chuồng để chống nóng trực tiếp. Những ngày nắng nóng phun nước lên mái chuồng, phun sương trong chuồng và bố trí đủ quạt điện để quạt mát, tránh làm tăng độ ẩm trong chuồng nuôi.
- Chuẩn bị đầy đủ phên, lưới chống nóng, bạt để chủ động che chắn chống nắng và chống mưa tạt, gió lùa vào chuồng.
- Khơi thông rãnh đường thoát nước thải và xử lý chất thải theo đúng quy định. Trong chăn nuôi lợn và trâu bò: Thu gom, chuyển phân, chất thải ra khỏi chuồng hàng ngày và đưa vào nơi ủ riêng.
- Chủ động việc trồng cây xung quanh khu vực chuồng nuôi tạo bóng mát.
2. Chế độ chăm sóc nuôi dưỡng:
2.1. Thức ăn nước uống:
- Tăng cường thức ăn giàu đạm, giảm tinh bột, chất béo trong khẩu phần. Những đợt nắng nóng kéo dài chú ý chia khẩu phần cho ăn nhiều bữa, cho ăn vào lúc sáng sớm, chiều mát và buổi tối, hạn chế cho ăn vào buổi trưa và tăng cường khẩu phần thức ăn xanh.
- Cung cấp đủ nước sạch, mát bổ sung chất điện giải và bổ sung các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C cho gia súc, gia cầm uống để tăng sức đề kháng và giải nhiệt.
2.2. Mật độ chăn nuôi
Trong những ngày nắng nóng cần giãn mật độ bảo đảm tạo sự thông thoáng và cân bằng dưỡng khí trong chuồng nuôi, duy trì mật độ theo quy định.
- Đối với gia cầm: Nuôi nhốt với mật độ vừa phải: gà úm 50-60 con/m2; gà 0,5-1kg nhốt 10-20 con/m2, gà 2-3kg nhốt 5-8 con/m2; nếu nóng quá có thể thả vườn, gốc cây quanh chuồng. Đối với gà đẻ tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt năng lượng trong khẩu phần, cho thêm rau xanh, cho ăn thức ăn chất lượng tốt.
- Đối với lợn: Lợn đực giống 4-5 m2/con; lợn nái và lợn thịt 2m2/con; lợn hậu bị 1,5m2/con.
- Đối với trâu bò: Diện tích chuồng nuôi cá thể từ 4-5m2/con; nếu nuôi nhiều trâu, bò thì diện tích chuồng đối với trâu, bò trưởng thành là 2m2/con; trâu, bò tơ 1,5m2/con; bê, nghé là 1m2/con.
2.3. Quản lý vật nuôi
- Quản lý thời gian chăn thả trâu, bò: Không thả và tắm cho trâu, bò vào các thời điểm nắng nóng nhất trong ngày (khoảng từ 12-16 giờ), dễ làm trâu bò bị say nắng. Thời gian chăn thả trâu bò thích hợp vào buổi sáng (6-9 giờ) và chiều mát (16-18 giờ).
- Tăng cường vệ sinh, tẩy uế chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng, tiêu độc để chống ve, mòng, ruồi muỗi, bọ mạt,…
- Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng sức khỏe của đàn v ật nuôi, phát hiện gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời; đặc biệt với các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm.
- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ vacxin cho đàn gia súc, gia cầm đến tuổi tiêm phòng theo quy định.
Trên đây là nội dung thông báo hướng dẫn của Ban chăn nuôi thú y xã Hòa Bình về công tác phòng chống nắng nóng cho vật nuôi năm 2023. Đề nghị ban lãnh đạo các thôn, đài truyền thanh xã thường xuyên thông báo để nhân dân biết và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao./.